Tôi vừa kết thúc chuyến công tác dài ngày. Trên chuyến bay về, tôi ngồi cạnh một người phụ nữ dễ mến, nói chuyện với nhau khá hợp. Khi máy bay hạ cánh, chị ấy quay sang hỏi tôi: “Có ai đón em không?”
Tôi khựng lại một chút. Rồi cười gượng: “Không ạ. Em tự về.”
Chồng tôi đã dặn từ trước: “Xuống sân bay cứ bắt taxi về nhé, đừng mặc cả gì cho mất công.”

Chị ấy được em trai tới đón. Cậu ấy vui vẻ cho tôi đi nhờ một đoạn. Nhưng khi đến chỗ hai chị em họ rẽ lối, tôi xuống. Trời mùa đông, gió lùa lạnh buốt. Tay xách nách mang, tôi chợt thấy mình thật lạc lõng.
Tại sao không ai đón mình?
Tại sao trước giờ mình không thấy những chuyện này quan trọng?
Tôi đứng đó, mãi chẳng có chiếc taxi nào chạy qua. Cuối cùng phải đi bộ đến trạm xe buýt gần nhất, rồi chen chúc trên chiếc xe đông đúc để về nhà.
Mở cửa ra, tôi chỉ kịp đẩy vali vào rồi ngồi bệt xuống sàn, mệt rã rời. Chồng tôi vẫn ngồi trước máy tính, bận “giải cứu thế giới”. Anh quay đầu lại vì tiếng động:
“Vợ yêu, em về rồi đấy à?”
Tôi nằm yên trên sàn, chẳng buồn trả lời. Trong đầu chỉ vang lên một câu: “Tôi đang làm cái quái gì với con người này?”
Tôi biết, nếu nói ra, anh sẽ lý giải hợp lý lắm: “Đêm hôm khuya khoắt đi đón là điên rồ”, “nếu có xe riêng thì đã khác”, “em đang kiếm chuyện”… Tất cả nghe rất logic.
Chỉ là… trong tim tôi, có gì đó lệch đi.
Vài tháng sau, tôi tình cờ xem một chương trình thực tế về gia đình nhà Osborn. Có cảnh người mẹ bắt mấy đứa con vào taxi để đi đón bố từ sân bay. Đứa thì hét, đứa nghịch, đứa phụng phịu:
“Sao bố không tự về, sao chúng ta cứ phải đi đón bố mãi vậy?”
Lũ trẻ liền thi nhau nhại lại giọng mẹ:
“Bởi vì chúng ta yêuuu bố!”
Và rồi cả lũ cười rúc rích với nhau.
Tôi bỗng hiểu ra.
Chúng ta đón người thân không phải vì họ cần người xách hành lý, mà bởi vì chúng ta muốn là người đầu tiên họ thấy khi trở về. Chúng ta muốn ôm chầm lấy họ mà nói rằng: “Chúng ta rất nhớ anh/em/mẹ/bố…”
Nếu suy nghĩ theo lý trí thì đúng, việc đưa đón rất phiền. Vì kẹt xe, vì mệt, vì đang dở game. Cũng như ta có thể gửi hoa thay vì đến thăm người bệnh, hoặc bỏ qua sinh nhật vì “năm nào chả có, quan trọng gì đâu”.
Nhưng thật buồn cười nếu mong nhận được yêu thương trong khi chính mình lại hờ hững.
Tình thân, tình yêu – bất kỳ mối quan hệ nào – cũng cần được vun đắp bằng những điều nhỏ nhặt như vậy. Nếu cứ mặc kệ, nó sẽ héo úa đi lúc nào chẳng hay.
Chúng ta yêu ai đó, đâu phải để họ tự bắt taxi khi vừa trở về sau chuyến đi dài, để họ “tự giải quyết đi, việc có gì to tát đâu.”
Người đàn ông Osborn kia có thể rất giàu, có thể về nhà bằng xe riêng. Nhưng ông ấy cần gì hơn thế, ngoài nụ cười con trẻ, cái ôm của vợ?
Tôi tin, chúng ta ai cũng vậy thôi.
Chỉ là không phải ai cũng dám thể hiện.
Nếu bạn nghĩ việc đi đón người mình thương là phiền toái, là lãng phí thời gian, thì với tôi – đó là một món quà tinh thần không gì thay thế được.
Tôi biết cảm giác hạnh phúc khi có ai đó chờ mình. Khi vừa bước ra khỏi cánh cửa sân bay đã thấy ánh mắt ai đó đang tìm kiếm mình giữa dòng người.
Và tôi cũng muốn trở thành ánh mắt đó – người đầu tiên, người quan trọng nhất, đợi một ai đó về.
Chúng ta khác nhau… chính ở chỗ đó.
Sưu tầm